Từ lâu nay người chơi analog chúng ta đều biết rõ, vị trí của cây kim trong hệ thống mâm đĩa than. Đương nhiên là vị trí đầu tiên. Đó là thứ đầu tiên tạo điện áp qua cuộn dây trong vùng từ trường. Đúng vậy. Cây kim xét đến cùng chỉ là một cuộn dây dao động trong từ trường. Vậy cái gì quan trọng nhất trong cây kim?
Theo đúng nguyên tắc cảm ứng điện từ của vật lý, cây kim hay suýt văn tơ, mobin đàn, tai nghe, loa… đều là transformer: biến áp. Nghe thì đơn giản, và đúng là nó đơn giản, thậm chí còn là đơn điệu. Cây kim tạo ra dòng điện biến thiên, từ đó ra step-up, phono, qua đó đến pre pow rồi ra loa. Tất cả chỉ có vậy. Không hơn không kém. Những thứ phía sau cây kim chỉ có nhiệm vụ cân bằng trở kháng, khuyếch đại điện áp mà thôi. Các tác động tới kim, là mâm và cần. Đó là các dao động ngoại lai. Nếu mâm và cần không tác động đến kim, nó sẽ ra đúng tiếng của cây kim. Điều này phải là tuyệt đối. Hãy tưởng tượng 1 cái mâm với mô tơ kêu lọc xọc, chi tiết rệu rã, ồn như cái công nông. 1 cái cần bị ma sát, ra vào lên xuống còn không tự do… Thì tiếng violin đúng là tiếng nhị vai mà thôi.
Đến đây ta cần thống nhất rằng cây kim là thứ phát ra tín hiệu điện, nhưng mâm và cần cũng buộc phải đảm bảo cho kim phát đúng tiếng của nó. Xin nhắc lại, có là cực đoan cũng phải đáp ứng được yêu cầu tối thiểu này.
Sau đó mới nói tiếp, trong cây kim, thành phần nào quan trọng nhất. Hạt để nhận dao động trên rãnh đĩa, cán truyền rung, từ trường cho độ từ thẩm cao, cuộn dây tạo tín hiệu điện… Xin thưa, thành phần tối cao lại là thứ không nhìn thấy được: dây neo. Dây neo, là thứ mà nếu đứt, không thể phục hồi.
Thành phần này vô cùng quan trọng. Xin nhấn mạnh, đặc biệt quan trọng: cắt toàn bộ dao động và trả về điểm cân bằng nhanh nhất có thể. 1 dải tần số bất kì, tạm thời coi như 1 xung tín hiệu đi ngang không thay đổi, cần 1 biên độ dao động tương ứng. Khi cuộn dây rung theo biên độ này nó cần trả về điểm cân bằng ngay lập tức sau khi dừng dao động. Tối quan trọng vì 1 đoạn âm thanh bất kỳ, cũng là 1 tổ hợp các dải tần số khác nhau. Như tiếng rao của người hàng xén, tiếng chim kêu, tiếng lá xào xạc, tiếng gió… đều là tổ hợp các dải tần. Vì nếu chỉ có 1 dải tần chạy thẳng, ta chỉ nghe những chữ cái kéo dài. Và 1 bản nhạc là tổ hợp của các tổ hợp các dải tần số, thay đổi liên tục.
Hãy tưởng tượng, sau khi tổ hợp dải tần này dừng, mà dây neo không dừng cuộn dây lại, không đưa được cuộn dây về điểm cân bằng ngay lập tức, đó là thảm hoạ. Gọi là thảm hoạ vì cuộn dây vẫn phát tín hiệu điện do dao động, và tiếp tục cộng hưởng với tổ hợp dao động tiếp sau đó. Điều này tạo ra âm thanh hỗn độn và rối loạn. Đương nhiên không bao giờ ta chấp nhận điều này. Nên cắt dao động mới thực sự là tuyệt đối quan trọng, cho mọi dải tần số.
Đến đây, ta hiểu dây neo đóng vai trò gì trong cây kim. Có tính đàn hồi để dao động tự do, nhưng lại phải đủ cứng để cắt cộng hưởng. Vật liệu và cách sắp xếp vật liệu là chìa khoá.

Thay đổi sợi dây này dẫn tới những điều khó tưởng tượng. Dây mảnh cứng đàn hồi tốt, trong biên độ hẹp cho tốc độ cao, thiệt thòi ở dải tần thấp. Dây mềm cho dao động biên độ rộng hơn, nhưng khó cắt do tốc độ phản hồi thấp… vân vân và mây mây. Thiết kế dây neo sao cho phù hợp để tín hiệu từ rãnh đĩa ra phono là 1:1 không có sai số, đây là điều cần thử nghiệm liên tục, có thể còn phải lặp đi lặp lại. Khoa học là như vậy. Einstein đã nói, một câu trả lời đúng là kết quả của một vạn câu trả lời sai.
Quá trình RnD để ra 1 sản phẩm hoàn thiện cần nhiều hơn nữa, rất nhiều những lần sai. Làm đến lần thứ 5 mà đã đúng, hoặc là thiên tài hoặc là may mắn. Khi ấy ta thường cho rằng: Cũng chẳng biết thế nào, may mắn vẫn thường xảy ra như một điều thi vị của cuộc sống. Chỉ có điều, ta nên để những cái sai trong quá trình RnD lại, nghĩ về những thứ đang cần phải hoàn thiện, những điều cần phải học trong tương lai. Đó là về sợi dây neo, thành phần không nhìn thấy nhưng đặc biệt quan trọng trong cây kim.