The path of sound is not vagina, nên chúng ta đi đến thành phần tiếp theo trong mâm đĩa than là tay cần (Tonearm). Cố nhiên, thành phần nào cũng quan trọng hết, nhưng vì tay cần rất quan trọng, lại đắt tiền và cũng đẹp nữa, nên ta đi từ từ ha
Tay cần (Tonearm) có nhiệm vụ dẫn hướng cho kim di chuyển qua các rãnh trên đĩa, đảm bảo quá trình đọc rãnh chính xác. Vì đĩa than là dao động cơ học tạo ra tín hiệu điện, nên càng chính xác càng tốt.
Những tiêu chuẩn lặt vặt theo kiểu giúp đầu kim tiếp xúc chính xác và ổn định với rãnh đĩa, hay như lực tì tránh mòn đĩa hoặc kiểm soát chuyển động… chỉ là nhỏ nhặt, mâm phổ thông loại rẻ tiền cũng đảm bảo được mấy điều đó. Vì trên thực tế, tay cần chỉ dao động theo 2 phương: ngang (horizontal) và dọc (vertical). Vậy điều gì khiến tay cần trở nên đắt tiền? Hay đắt tiền và rẻ tiền khác nhau ở chỗ nào?
* Cấu phần chính của Tonearm gồm:
+ Thân cần (Arm Tube): Đây là phần chính của tonearm, thường có dạng ống, làm từ vật liệu nhẹ nhưng cứng để giảm rung và dao động cộng hưởng.
+ Cụm xoay (Gimbal/Unipivot): Cụm này cho phép tonearm di chuyển linh hoạt trên cả hai trục ngang và dọc. Điều quan trọng nhất của cụm xoay này là giảm ma sát đến mức tối đa khi tay cần di chuyển (dù rất nhỏ). Trong đó 2 thiết kế chính của cụm này là:
– Gimbal: Hệ thống xoay có hai trục cố định, thường là 3 ổ bi: 1 ngang và 2 dọc.
– Unipivot: Tonearm chỉ xoay trên một điểm duy nhất, diện tích tiếp xúc nhỏ nhất, nên cắt rung tốt nhất.
* Vài thứ lặt vặt khác:
– Đối trọng (Counterweight): Đây là một khối vật liệu có thể điều chỉnh, gắn ở cuối tonearm để cân bằng trọng lượng và điều chỉnh lực tác động của đầu kim lên đĩa.
– Chống trượt (Anti-Skate): Đĩa có rãnh xoắn ốc hướng vào trong, nên đây là bộ phận giúp giảm lực hướng tâm (skating force) khi kim di chuyển từ ngoài vào trong, giúp kim giữ vị trí thẳng đứng chính xác trên rãnh.
– Máng (Headshell): Là phần gắn ở đầu tonearm để kết nối với kim (cartridge). Headshell có thể tháo rời hoặc cố định, tùy thuộc vào thiết kế.
– Nâng hạ cần (Lift Mechanism): Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, hay là thả cho rơi đánh bộp xuống mặt đĩa, là nằm ở đây. Cấu phần này dùng dầu ma sát, loại dầu đặc, có khả năng tạo bám dính giúp tonearm hạ xuống từ từ.
Hiểu tại sao tay cần có thể bán được đắt hơn nữa, ta phải đi vào vật liệu. Các vật liệu vừa có độ cứng cao để chống rung, vừa nhẹ để đảm bảo chuyển động gồm có:
+ Nhôm: Rất phổ biến, nhôm có độ bền cao, khả năng giảm cộng hưởng tốt, dễ gia công và khối lượng nhẹ. Tất nhiên, nhôm rẻ.
+ Sợi Carbon: cứng và nhẹ, giảm rung tốt. Ngoài đời người ta thường truyền tai nhau rằng tonearm bằng sợi carbon thường mang lại âm thanh trong trẻo và ít méo hơn. Of course, cái loa hay nhất là mồm anh bán loa
+ Titan: cứng hơn nhôm mà vẫn có khối lượng nhẹ, titan ít được sử dụng, nhưng titan oxit lên màu rất đẹp khi thay đổi nhiệt độ. Ở khoảng 550 độ C, titan có màu đỏ tím đẹp tuyệt.
+ Gỗ: Gỗ tạo hình ảnh đẹp tự nhiên, như gỗ óc chó, gỗ sồi… vấn đề của gỗ là cong vênh nên cần xử lý kỹ. Vì gỗ không tạo được lồng Faraday, nên bên trong cần lớp chống nhiễu.
Những hình dáng của tay cần có S, J, thẳng, đại khái không khác nhau nhiều. Vấn đề của hình dáng chỉ là tạo góc phương vị cho chính xác, ngoài ra không có gì khác. Vì vậy nên nó cần… đẹp Còn thế nào là đẹp/xấu, thế nào là hay/dở, thế nào là đúng/sai… xin mời các cụ đón đọc trong đề mục Hành trình bản ngã [Art of Enso]
Đến đây ta đã có thể biết Tay cần (tonearm) về cơ bản đóng vai trò trung tâm trong việc dẫn hướng và ổn định cho kim, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tái tạo âm thanh từ đĩa than. Sự đa dạng về cấu trúc và vật liệu tonearm giúp người chơi có thể tùy chọn loại phù hợp với hình thức của phòng nghe đại gia, và tất nhiên, cả với túi tiền của mình nữa